THAM LUẬN “ĐỔI MỚI, SÁNG TẠO TRONG DẠY HỌC HÓA HỌC ”
Hà Nội, ngày 11 tháng 10 năm 2017
Tổ Hóa - Sinh - Công nghệ trình bày về chủ đề “ĐỔI MỚI, SÁNG TẠO TRONG DẠY HỌC HÓA HỌC ” ở các nội dung:
+ Sáng tạo trong nội dung tích hợp giáo dục môi trường trong giảng dạy hóa học.
+ Sáng tạo trong việc sử dụng các kỹ thuật dạy học.
+ Sáng tạo trong đánh giá học sinh.
Hóa học là một bộ môn khoa học thực nghiệm, kiến thức hóa học là một xâu chuỗi có mối liên quan chặt chẽ với nhau, học sinh sẽ rất khó nhớ, khó thuộc. Bên cạnh các em gần như đã bị mất kiến thức cơ bản từ các lớp dưới cộng với chất lượng đầu vào chưa cao đặc biệt là các lớp cơ bản nên việc dạy và học hóa học ở các lớp THPT gặp không ít khó khăn. Đặc biệt đối với những tiết dạy liên quan đến cấu trúc các chất, tính chất hóa học thì hầu như các em không thể tưởng tượng được các phản ứng đó sẽ xảy ra thế nào và có cấu trúc ra sao vì kiến thức hóa học hơi trừu tượng.
Làm sao để HS nhớ được những kiến thức cơ bản đó thì tôi thiết nghĩ trong từng tiết dạy, GV phải dùng các phương pháp nào đó để HS nắm được các kiến thức cơ bản. Khi các em đã có nền kiến thức cơ bản và hiểu sự liên quan giữa kiến thức với thực tế thì các em sẽ yêu thích rồi đam mê môn học và từ đó sẽ học tập dễ dàng và tốt hơn.
1. Trong cuộc thi GVDG “TÍCH HỢP GIÁO DỤC MÔI TRƯỜNG TRONG MÔN HÓA HỌC ” tôi đã mạnh dạn Sáng tạo trong nội dung tích hợp giáo dục môi trường.
1.1 Trong Bài thi cấp cụm - Bài Phân Bón Hóa Học lớp 11, ngoài việc nêu lên những ưu điểm, tác dụng của PBHH trong việc bổ sung chất dinh dưỡng cho đất, nâng cao năng suất mùa màng,…tôi đã tích hợp về vấn đề bảo vệ môi trường, sức khỏe con người ngay trong quá trình sản xuất và sử dụng phân bón.
- Về vấn đề Hàm lượng nitrat tồn dư cao trong thực phẩm
Rau củ quả chúng ta dùng phân Ure bón cây, tưới đất, tưới lên lá, thì cây hấp thụ lượng phân Ure đó, và lượng Nitrat từ phân Ure mà ra. Khi chúng ta trồng rau củ quả chúng ta phải tưới phân, nhưng chúng ta phải có thời gian cách ly sau 7 - 10 ngày mới thu hoạch thì lượng nitrat sẽ không còn tồn đọng trong rau, củ, quả nữa, nhưng vì chúng ta phun quá nhiều, hoặc thời gian cách ly thu hoạch quá ngắn nên lượng nitrat vẫn còn tồn tại dư lại trong rau, củ quả. Lượng Nitrat vượt ngưỡng cho phép chính là mầm mống gây ra các căn bệnh hiểm nghèo như ung thư…
Thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu, kim loại nặng bám trên bề mặt thực phẩm, và vi sinh vật thì chúng ta có thể gọt vỏ, ngâm rửa sạch, hoặc nấu chín thì vi sinh vật sẽ chết, còn với Nitrat thì không thể loại bỏ được vì nó ngấm trong tế bào rau củ quả.
Tồn dư nitrat trong thực phẩm có thể gây ngộ độc cấp tính cản trở oxy, thiếu máu. Nếu để lâu dài chúng kết hợp với các amin tạo thành nitrosamin chính là chất gây ung thư .
Nitrat đặc biệt nguy hiểm đối với trẻ em. Bản thân Nitrat không phải là chất gây ung thư, nhưng là tác nhân gián tiếp gây ra ung thư khi biến thành Nitrit. Chất này kết hợp với các hợp chất amin tự do tạo ra nitrosamin chính là chất gây ung thư.
Các chuyên gia khuyến cáo, đối với nguồn rau, củ, quả nên dùng tươi càng sớm càng tốt, nếu bảo quản vài ngày lượng nitrat sẽ tăng. Riêng đối với các loại thực phẩm có ướp muối nitrat (muối diêm) tốt nhất là chúng ta chỉ nên sử dụng hạn chế.
Thống kê mới đây của Cục Nông nghiệp – Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho biết, kết quả phân tích hàm lượng nitrat trên bắp cải, cải xanh, su hào, cà chua, nho ở Hà Nội, Bắc Giang, Hải Phòng, TP.HCM… đã phát hiện nhiều mẫu rau củ có hàm lượng nitrat vượt mức cho phép từ 1,3-5 lần.
Khi quan sát bằng mắt thường, việc phát hiện Nitrat trong thực phẩm rất khó khăn, chỉ mang tính cảm quan. Các nhà chuyên môn vẫn khuyên người dân không nên chọn những loại rau có màu xanh quá đậm, quá mướt, quá mập mạp mà chỉ nên chọn những loại rau có màu xanh nhạt. Với các loại rau củ cũng tương tự, không nên chọn những trái da căng bóng, bắt mắt, có kích thước bất thường có vết nứt dọc theo thân, bởi có thể chúng được bón quá nhiều đạm hoặc thuốc trừ sâu. Việc bón quá nhiều phân đạm cho rau củ có thể giúp rau củ bóng mỡ, xanh mướt… nhưng tồn dư Nitrat trong rau củ cũng sẽ nhiều hơn.
- Về vấn đề ô nhiễm môi trường trong quá trình sản xuất, sử dụng phân bón
Phóng sự làng ung thư Thạch Sơn
1.2 Trong Bài thi cấp TP - Bài Cacbon lớp 11
- HS cần hiểu được than là nguồn tài nguyên khoáng sản không tái sinh, việc khai thác than trong công nghiệp hiện nay đã và đang gây nên sự thất thoát tài nguyên thiên nhiên và ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. (Chiếu phần trình bày của HS)
Chào mừng thầy cô và các bạn đến với bản tin “Hóa học” của trường THPT LTK. Chủ để của chúng ta ngày hôm vay và “Vấn đề khai thác và sử dụng nhiên liệu than ở nước ta hiện nay”
Thực trạng khai thác than ở Quảng Ninh đã và đang làm cho môi trường ở QN bị hủy hoại, tàn phá nặng nề và người dân nơi đây đang từng ngày phải đương đầu, gánh chịu hậu quả.
+ Để có sản lượng nhảy vọt, nhiều đơn vị thực hiện khai thác than phương pháp lộ thiên. Quá trình khai thác lộ thiên và đổ thải đất đá đã làm:
- Thay đổi bề mặt địa hình, cấu tạo địa chất.
- Đất đá sạt lở, tràn vào khu dân cư, nhà dân.
- Gây lở đất, nhiễm mặn và biến đổi sinh thái, làm giảm tính đa dạng sinh học.
+ Nước mưa chảy qua các khu vực này không chỉ cuốn trôi bùn than và đất mà còn cuốn theo các chất thải khác do quá trình khai thác than sinh ra làm ô nhiễm các nguồn sông suối và nguồn nước bề mặt trong khu vực.
+ Ô nhiễm không khí, tiếng ồn bởi các hoạt động vận tải ảnh hưởng tới sức khoẻ cộng đồng, nhiều người dân sống trong vùng bị mắc các bệnh bụi phổi, hệ hô hấp, tiêu hoá, viêm xoang, viêm mắt, điếc,…
+ Bên cạnh đó, việc sử dụng nhiên liệu than trong ngành nhiệt điện và luyện kim cũng gây ra những hậu quả nặng nề đối với ô nhiễm môi trường.
Điển hình: Thời gian qua khi Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân II đưa hai tổ máy vào hoạt động và đã gây ra nhiều cơn “bão xỉ” từ bãi than, xỉ và ống khói khổng lồ thải ra khiến người dân thôn Vĩnh Phúc, xã Vĩnh Tân gánh chịu toàn bộ. Nhà cửa, cây cối đều phủ đầy bão xỉ, thậm chí giếng nước cũng đã có dấu hiệu ô nhiễm không thể dùng sinh hoạt được.
Vào lúc 17g ngày 14-4-2015, hàng trăm người dân thôn Vĩnh Phúc, xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong đã ùa ra đường mang theo nhiều chướng ngại vật chặn xe khiến ùn tắc giao thông nghiêm trọng kéo dài hơn 10 km.
Đến 3g sáng ngày 15-4, sau rất nhiều nỗ lực của chính quyền địa phương kêu gọi người dân bình tĩnh tình hình mới được cải thiện. Đến 10g sáng ngày 15-4, trong khi Phòng CSGT Công an Bình Thuận huy động toàn bộ lực lượng ra hiện trường trắng đêm điều tiết giao thông và lượng xe ùn tắc chỉ còn kéo dài khoảng hai km thì bất ngờ người dân tiếp tục “tái chiếm” QL1A. Đến tối 15-4, việc lưu thông trên quốc lộ 1 đoạn qua xã Vĩnh Tân (huyện Tuy Phong, Bình Thuận) còn rất khó khăn.
- Về vấn đề nhiễm độc khí than
- Một số ứng dụng đơn gian trong cuộc sống: để khử các mùi trong tủ lạnh ta có thể cho một viên than củi vào tủ lạnh,…
2. Bên cạnh đổi mới, sáng tạo về nội dung thì đổi mới, sáng tạo về phương pháp dạy học là một yếu tố không thể thiếu nhằm góp phần tạo nên thành công của một giờ dạy.
2.1. Trong bài PBHH tôi vẫn sử dụng phương pháp chia nhóm truyền thống, chia lớp học làm 4 nhóm, Tuy nhiên công việc được giao rất cụ thể.
Nhóm 1 chuẩn bị sẵn bảng biểu nghiên cứu về phân đạm ở nhà.
Nhóm 2,3 nghiên cứu về phân lân
Nhóm 4 nghiên cứu các loại phân bón còn lại: chuẩn bị tiết mục kịch với 4 diễn viên hóm hỉnh, thông minh trong chương trình Khuyến nông của đài truyền hình Lý Thường Kiệt!Chủ đề của chúng tôi hôm nay là: Ai quan trọng hơn?
Điểm thành công của giờ học này: HS chủ động chiếm lĩnh kiến thức, đưa ra các câu hỏi thảo luận giữa các nhóm súc tích, trọng tâm, hoạt động sôi nổi, logic. Ngoài ra giờ học có nhiều mẫu vật gắn liền với cuộc sống: các loại phân bón hóa học, 2 mẫu rau cải (loại không được bón phân và loại được bón phân đạm,…) và những hình anh thực tế mang tính thời sự,…
Phần trình bày bảng cũng gây ấn tượng, 3 loại bảng biểu làm nổi bật lên chữ N, P, K là các loại PBHH thông dụng nhất.
2.2 Trong bài Cacbon tôi đã sử dụng kỹ thuật mảnh ghép
- Kỹ thuật các mảnh ghép là kĩ thuật dạy học mang tính hợp tác, kết hợp giữa cá nhân, nhóm và liên kết giữa các nhóm nhằm giải quyết một nhiệm vụ phức hợp, kích thích sự tham gia tích cực cũng như nâng cao vai trò của cá nhân trong quá trình hợp tác.
Giai đoạn 1: Nhóm chuyên sâu
- GV: Chia lớp học thành 3 nhóm, mỗi nhóm gồm 9HS. Trong mỗi nhóm các HS được phát các PHT khổ A4: có 3 HS được phát PHT màu vàng, 3 HS phiếu màu đỏ và 3 HS phiếu màu xanh.
+ Nhóm 1: Thảo luận và hoàn thành PHT 1
+ Nhóm 2: Thảo luận và hoàn thành PHT 2
+ Nhóm 3: Thảo luận và hoàn thành PHT 3
- Mỗi HS trong các nhóm 1, 2, 3 thảo luận trong nhóm và hoàn thành BT của nhóm mình vào PHT cá nhân.
Giai đoạn 2: Nhóm mảnh ghép
- Mỗi nhóm mảnh ghép gồm 9 HS, được hình thành bằng cách lấy từ 3 nhóm chuyên sâu, mỗi nhóm lấy 3 HS.
- Nhóm mảnh ghép thực hiện nhiệm vụ trong PHT 4
- Mỗi nhóm mảnh ghép hoàn thành nội dung nghiên cứu trên khổ giấy A1. Nhóm nào hoàn thành nhanh nhất sẽ dán kết quả lên bảng sau đó cử đại diện lên báo cáo kết quả.
Việc chia các nhóm chuyên sâu sử dụng các phiếu học tập khác màu và sử dụng biển hiệu 3 màu để hình thành nhóm mảnh ghép giúp các GV dự giờ dễ dàng nhận ra kỹ thuật mảnh ghép và HS dễ dàng nhận biết, di chuyển khi hình thành nhóm mảnh ghép.
- Bên cạnh đó trong bài dạy này tôi còn sử dụng phương pháp phòng tranh; HS tự chủ làm thí nghiệm nghiên cứu; khai thác tốt năng lực tự nghiên cứu của HS thông qua phần tự chuẩn bị bài ở nhà,…
Mỗi cá nhân là một thành viên nhỏ bé trong tập thể. Trong tổ Hóa - Sinh - CN chúng tôi mỗi GV tham gia các cuộc thi đều mang trong mình một tinh thần trách nhiệm cao, đều được sự chỉ đạo sát sao của BGH nhà trường, của TTCM. Các tiết dạy thử đều được tổ dự giờ, góp ý rất chi tiết từ tác phong, cách trình bày bảng, ngữ điệu, cách phát vấn học sinh,…Giáo án word, gíao án PP được nhóm trưởng kiểm tra và chỉnh sửa tỉ mỉ trước khi dự thi. Bản thân tôi cảm thấy rất tự hào và may mắn khi là một thành viên của một tổ công tác có rất nhiều người nhiệt huyết, dày dặn kinh nghiệm trong công tác giảng dạy, công tác thi GVDG; đứng đầu là TTCM Vũ Hồng Quân luôn nhiệt tình, nghiêm túc, sáng tạo trong công việc. Qua 8 năm về công tác tại trường tôi đã có những bước trưởng thành vững chắc. Tôi xin chân thành cảm ơn BGH, BCHCĐ nhà trường, xin cảm ơn các anh, chị, em trong tổ đã luôn đoàn kết để Tổ Hóa- Sinh - Công nghệ có được những thành tích trong các năm học vừa qua.